Măng cụt có nguồn gốc từ Mã Lai và Indonesia, được trồng từ hàng chục thế kỷ, cây đã được Thuyền Trưởng Cook mô tả khá chi tiết từ năm 1770, và được đưa đến Sri Lanka vào năm 1800, được trồng tại Anh trong các nhà kiếng (green house) từ 1855, sau đó đưa đến West Indies từ giữa thế kỷ 19. Đây là một loại cây đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng khắt khe cần khí hậu nóng và ẩm, cây tăng trưởng rất chậm, sau 2-3 năm cây chỉ cao đến đầu gối, chỉ bắt đầu cho quả sau 10-15 năm.. Cây đã được các nhà truyền giáo du nhập vào Nam Việt Nam từ lâu, trồng nhiều nhất tại Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Việt Nam đã có lúc là nơi có những vườn măng cụt lớn nhất thế giới, với những vườn rộng hàng chục mẫu, có hàng ngàn cây, mỗi cây cho được từ 700 đến 900 quả. Cây hiện được trồng nhiều tại Thái Lan, Kampuchea, Myanmar (Miến điện), Sri Lanka và Philippines.
Hiện có khoảng 100 loài khác nhau được nuôi trồng.
Măng cụt thuộc loại cây to, trung bình 7-12 m nhưng có thể cao đến 20- 25 m, thân có vỏ màu nâu đen xậm, có nhựa (resin) màu vàng. Lá dày và cứng, bóng, mọc đối, mặt trên của lá có màu xậm hơn mặt dưới, hình thuôn dài 15-25 cm, rộng 6-11 cm, cuống dài 1.2-2.5 cm. Hoa đa tính thường là hoa cái và hoa lưỡng tính. Hoa mọc đơn độc hay từng đôi. Hoa loại lưỡng tính màu trắng hay hồng nhạt, có 4 lá đài và 4 cánh hoa, có 16-17 nhị và bầu noãn có 5-8 ô. Quả hình cầu tròn, đường kính chừng 4-7 cm, có mang đài hoa còn tồn tại; vỏ quả màu đỏ nâu, dai và xốp. Quả chứa 5-8 hạt: quanh hạt có lớp áo bọc màu trắng có vị ngọt, thơm và khá ngon. Cây trổ hoa vào tháng 2-5, ra quả trong các tháng 5-8. (giống Garcinia còn gồm một số cây tương cận, đa số mọc trong vùng Đông Ấn = West Indies, trong đó có thể kể Garcinia cambogia hay Bứa, Garcinia cowa cung cấp quả Cowa-Mangosteen lớn hơn và có khía màu vàng apricot, vị chua; Garcinia indica hay Cocum = Conca cho quả chua, áo hạt màu tím, dùng làm giấm, hạt ép lấy dầu.)